28/04/2016

Một đề nghị với những người tự ứng cử vừa bị loại



Kim Nguyen


Thế là cuộc tuyển lựa ứng cử viên cho cuộc bầu cử trình diễn tốn nhiều ngàn tỷ tiền thuế của dân vào ngày 22/5 sắp tới đã kết thúc với kết quả đúng như người ta dự đoán: hầu như tất cả những người tự ứng cử đều bị loại ra khỏi cuộc đua. Sân khấu chỉ dành cho cho những diễn viên do đảng chọn. Việc này làm rõ nghĩa hơn nữa câu nói “dân chủ đến thế là cùng” của đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng.

 
 


Chính những người tự ứng cử đã khẳng định từ trước khi vào cuộc chơi, rằng: họ hoàn toàn không nuôi ảo tưởng sẽ được chọn ra tranh cử, hay được đắc cử vào quốc hội. Họ chỉ thực hiện một cuộc trắc nghiệm xem “dân chủ đến thế nào ...  là cùng “!. Họ muốn phát động phong trào đánh thức ý thức làm chủ của người dân. Họ muốn tiến hành một cuộc thực tập dân chủ. Hay nói rõ hơn họ muốn cho người dân được học một bài học sơ đẳng về sinh hoạt dân chủ. Nếu mục tiêu như vậy thì họ đâu có thất bại. Họ thành công đấy chứ! Như ông Nguyễn Quang A đã khẳng định từ đầu : “chỉ có thắng chứ không thua”. Quả vậy, không thể thua được vì ,trong tình hình thế giới hôm nay, tình trạng dân chủ ở VN đã xấu đến mức không thể xấu hơn. Thua sao được vì  trong sinh hoạt dân chủ, người dân Việt “đâu còn gì để mất nữa hôm nay” !


Như ý của chị Đoan Trang trong một cuộc phỏng vấn, rằng cuộc tranh đấu cho dân chủ của những người xung phong tự ứng của chưa ngừng lại ở đây. Họ vẫn còn có thể kết hợp với nhau để thực hiện một số sinh hoạt, gây sức ép buộc đảng CS phải lùi dần.

Khai triển thêm ý này của chị Đoan Trang và chắc chắn cũng là của rất nhiều người khác, đặc biệt là trong những người tích cực tham gia cuộc thực tập dân chủ này, tôi xin được đưa ra một đề nghị: Từ xưa đến nay trong chế độ CS, bên cạnh hệ thống chính thức, luôn luôn có một hệ thống “chui” . Và, trong đa số trường hợp, hệ thống chui đã tỏ ra hữu hiệu hơn, chính xác hơn và có phẩm chất hơn hệ thống chính thức gấp bội. Bây giờ cũng vậy, bên cạnh cuộc vận động tranh cử “câm” của đám diễn viên đã được tuyển lựa, những người tự ứng cử hãy tiến hành một cuộc vận động tích cực bằng những phương tiện pháp luật không cấm. Bên cạnh hệ thống tranh cử chính thức, tại sao ta không phát động trên mạng hệ thống tranh cử “chui” với mục đích tạo ý thức dân chủ cho người dân ?

Trong cuộc tranh cử “chui” này, quý vị có thể nêu lên những vấn đề nóng bỏng hiện nay để tranh luận với nhau, đưa ra những chính sách để thực hiện nếu mình được ở trong cơ quan lập pháp. Cụ thể hôm nay là việc cá “chết hàng loạt”: người đại biểu của dân trong quốc hội phải làm gì để tránh tình trạng người dân Việt “chết hàng loạt” vì ung thư hay vì một bệnh “lạ” nào đó trong tương lai ? Bên cạnh chủ đề đang nóng này là vô số chủ đề khác liên quan đến  vấn đề sinh tử của đất nước mà mọi người quan tâm. Trong hàng ngũ những người tự  ứng cử, không thiếu những chuyên viên, có bằng cấp THẬT, trình độ THẬT để có thể đưa ra những giải pháp khả thi và hữu hiện cho những vấn đề nghiêm trọng đang là nỗi trăn trở, lo lắng của toàn dân...

Quý vị có lý do chính đáng để nêu lên những quan điểm, đề nghị của mình. Quý vị đã tích cực tham gia tranh cử để được góp tiếng nói đại diện cho dân, nhưng họ bị gạt ra bằng thủ đoạn đê hèn. Quý vị muốn đóng góp, nhưng bị khai trừ một cách mờ ám và bất công. Bây giờ quý vị nói với toàn dân rằng: “Nếu không bị loại tôi sẽ đề nghị thực hiện việc này, việc này ..” .  Và, qua đó,  người dân có điều kiện để so sánh với những kẻ mang danh đại diện cho dân nhưng chỉ lên diễn đàn quốc hội để ngủ hay để tấu hài. Người dân sẽ thấy rõ hơn nữa cái mức độ “là cùng” của nền dân chủ kiểu Nguyễn Phú Trọng.

Cuôc đấu tranh cho dân chủ còn dài, còn gian truân, thế nhưng đường dù dài thế nào cũng phải cần  những bước chân đầu tiên. Những người tự ứng cử đã dám bước những bước đầu tiên, đó là việc làm đáng trân trọng. Thiết nghĩ những ai không tán thành xin đừng đánh phá, vì như vậy chỉ làm lợi cho lũ độc tài đang giết lần giết mòn dân tộc, đang hủy hoại quê hương, hiểu theo nghĩa đen.



Brussels, những ngày cuối tháng tư 2016.
Kim Nguyên

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire